Cây bầu còn gọi là bầu nậm, bầu đất, bầu canh, tên
khoa học Lagenaria siceraria (Molina) Standl, thuộc họ bầu bí (Cururbitaceae).
Là loại cây dây leo thân thảo, được trồng ở vùng nhiệt đới, cây có tua cuốn phân
nhánh và phủ nhiều lông mềm màu trắng. Quả bầu không chỉ là món ăn bổ mát còn
được dùng làm thuốc, bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là quả và hạt.
Theo Đông y, bầu vị hơi nhạt, tính mát (có tài
liệu lại cho là vị ngọt, tính lạnh), có công hiệu giải nhiệt, giải độc, lợi
tiểu, nhuận phổi, trừ ngứa; chủ trị các chứng như trướng bụng, phù thũng, tiểu
tiện ít, phổi nóng, ho...Cụ thể là thịt quả bầu vị ngọt, tính hàn, có tác dụng
giải nhiệt, trừ độc, được dùng trị chứng đái rắt, phù nề, đái tháo, mụn lở...
Vỏ bầu vị ngọt, tính bình, lợi tiểu, tiêu thũng
nên cũng được dùng cho các chứng bệnh phù thũng, bụng trướng. Hạt bầu đun lấy
nước súc miệng chữa bệnh sưng mộng răng lợi răng lung lay, tụt lợi. Lá bầu có vị
ngọt, tính bình có thể làm thức ăn chống đói. Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng
giải thải nhiệt độc, nấu tắm cho trẻ em phòng ngừa đậu, sởi, lở ngứa. Quả bầu
già sắc lấy nước uống có tác dụng lợi tiểu, ..
Dưới đây xin giới thiệu bài
thuốc chữa bệnh:
Bài 1: Quả bầu 50 - 100g nấu thành canh ăn hằng
ngày. Dùng cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường hay bị tiểu rắt hay máu
nóng.
Bài 2: Quả bầu 50g đun lấy nước uống thay trà
trong ngày. Dùng cho bệnh nhân bị ho nóng phổi.
Bài 3: Hạt bầu 20g, ngưu tất 20g, nấu lấy nước
ngậm và súc miệng ngày 3 - 4 lần. Dùng cho những bệnh nhân bị răng lung lay,
viêm tụt lợi. súc miệng ngày 3 - 4 lần.
Bài 4: Quả bầu tươi 500g, rửa sạch vắt lấy nước
cốt và trộn đều với 250ml mật ong rồi uống ngày 2 lần, mỗi lần 30 - 50ml dùng để
chữa sỏi đường niệu, tăng huyết áp. Mỗi liệu trình từ 5-7 ngày.
Tuy nhiên không sử dụng bầu cho những người bị
phong hàn, ăn không tiêu vì bầu có tính mát nên sẽ gây đau bụng nếu ăn
nhiều.
Theo Megafun
nguồn tapchilamdep