Hàng nửa thế kỷ trước, cá chốt được dân đồng bằng sông Cửu Long liệt vào hạng bỏ đi. Nhưng từ vài chục năm trở lại đây, loại cá “đồ bỏ” này đã “lên ngôi”, trở thành đặc sản, hấp dẫn nhiều người sành ăn.
Đây là lúc đánh bắt cá để làm món cá chốt kho sả ớt, món ngon “liệt hạng” lại dễ thực hiện. Sả bằm chung với ớt cho vô tộ cùng cá chốt kho trên bếp lửa, chỉ chốc lát mùi thơm đã lên nức mũi. Chỉ cần chan nước cá kho với cơm trắng cũng đã làm cạn… nồi. Vị béo mà không ngậy của cá, vị bùi của đùm trứng cùng hương thơm sả ớt khiến món ăn đơn sơ mà ngon đáo để.
Ở đồng đất này, người ta thường ăn cá chốt kho kèm với rau sống như rau đắng đất, rau đắng đồng, ngon hơn hết là ăn kèm với dưa bồn bồn hoặc dưa năn bộp. Vị chua của hai món dưa này làm thêm sức hấp dẫn cho vị giác. Tuy nhiên, món cá chốt còn được kho tiêu hoặc muối chiên giòn cũng là món ăn đặc sắc vùng nước mặn cuối đất Việt này.
Dứt mưa, nước rút, cá chốt trở về sông. Đó cũng là lúc người ta thu hoạch cá chốt bằng cách đặt xà ngom, đăng tre, chất chà hoặc xây nò. Vậy là những con cá chốt mập hơn ngón chân cái trở thành món ngon trong bữa ăn của người dân hai tỉnh này.
Đây cũng là thời điểm bông so đũa nở trắng cành. Lấy bông màu trắng ngà loại bỏ nhuỵ, chỉ cần rửa sạch cho vào nồi canh chua cá chốt đang sôi trên bếp lửa. Múc canh ra tô, rắc thêm rau om, cần dày lá hoặc rau quế là sẵn sàng cho bữa cơm gia đình đầm ấm. Những con cá mập ú, thịt vàng hươm còn là món “đưa cay” khá thú vị. Còn cá chốt nấu chua với lá me, với bần chín cũng là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Theo “tập quán” miệt đồng, cá chốt làm mắm để dự trữ trong những ngày tháng mưa không thuận, gió không hoà. Nhưng một khi đã được thưởng thức món mắm này thì những ai sành ăn cũng “một lòng thương nhớ”. Mắm cá chốt dùng tay xé ăn sống gói rau, khế, chuối chát, gừng xắt sợi với bần ổi (loại bần sống vùng nước mặn, trái nhỏ cỡ trứng cút) sẽ khiến bữa cơm ngon khó thể tưởng được.
bài và ảnh: Trường Lâm
nguồn sgtt