Những ngọn bồng non mập mạp, thân trắng nõn ngoại dùng nấu canh - Ảnh: TTO |
Ngày nghỉ cuối tuần, chạy xe trên con đường làng lầy lội sau cơn mưa chiều hạ, tôi về thăm ngoại. Con đường in dấu những kỷ niệm tuổi thơ êm đẹp nằm bên dòng sông hiền hòa, đôi bờ xanh mát dãy khoai ngứa đang mơn mởn bồng non vươn ra đón ánh sáng mặt trời.
Vẫn con đường ấy, vẫn dòng sông ấy và cả cuộc sống thanh bình như xưa. Chỉ khác tôi đang dần lớn lên, ngoại ngày một già yếu và không còn những ngày tôi lon ton chạy dọc bờ sông theo ngoại lần từng gốc khoai ngứa lấy bồng non.
Ngày còn nhỏ gia đình tôi nghèo lắm, bố mẹ phải đi làm xa, tôi ở nhà với ngoại. Ngoại nuôi tôi khôn lớn với những món ăn “đặc sản” được ngoại chế biến từ cây nhà lá vườn và với tất cả sự thương yêu của ngoại dành cho đứa cháu nhỏ dại. Phải chăng chính sự nghèo khó ấy mà vô hình bát canh bồng khoai nấu don của ngoại đã gắn kết với tôi cho tới tận bây giờ.
Nhà ngoại ở đầu làng nên dọc nửa bờ sông bên này ngoại tận dụng đất trồng khoai ngứa để cắt về nuôi đàn lợn nhà. Rau khoai ngứa không ăn được nhưng bồng khoai (ngó khoai) mà nấu canh don thì với tôi có lẽ không cao lương mỹ vị nào bằng.
Sau những trận mưa to, bồng non tua tủa ngoi ra núp dưới tán lá xanh to mơn mởn còn đọng mưa rơi. Trong lúc tôi mải mê với cái trò đi gom nước, rót từ lá này sang lá kia thì ngoại lom khom lần dưới gốc cây chọn những ngọn non, mập mạp, thân trắng nõn. Ngoại nhặt từng nắm, từng nắm rồi đưa lên bờ cho tôi xếp ngay ngắn buộc thành từng bó lớn hơn để sớm mai mang ra chợ bán, lấy tiền mua thêm don về nấu chung với ngọn bồng.
Sáng ngoại đi chợ, tôi ở nhà tước bồng để trưa ngoại về nấu canh cho hai bà cháu. Tôi còn nhớ ngoại dặn phải dùng tay chứ không được dùng dao để tước bỏ lớp xơ, lớp vỏ mỏng bao ngoài. Tước đến đâu thì ngâm ngay vào chậu nước lạnh có pha chút muối đến đó, tránh bị thâm ngọn và giảm cái lăn tăn ngứa nơi cổ họng khi ăn.
Tước xong, tôi thường ngồi chơi trông nhà và chờ quà vặt ngoại đi chợ về. Vừa thấy bóng ngoại, tôi nhanh chân chạy, miệng hét lớn thay... lời chào và nhìn vào làn xách xem ngoại có mua bánh rán cho tôi không, sau đó mới tới don để nấu canh bồng.
Ngày ấy tôi còn nhỏ nên không biết đãi don làm canh mà cứ quấn quýt bên cạnh xem ngoại làm. Don được đãi lấy hết ruột đem phi thơm với hành tỏi băm nhỏ. Nước luộc don rất ngọt nên không đổ đi mà dùng để nấu canh nhưng cần phải lọc bỏ cấn.
Bồng khoai trước khi nấu phải đem luộc sơ với nước muối. Ngoại bảo làm thế sẽ bớt đi vị chát và cả cái râm ran mà tôi hay "kêu" mỗi khi ăn món canh này. Một bí quyết nữa là nấu canh bồng phải ninh thật nhừ nhưng tuyệt đối không được dùng đũa khuấy trong khi nấu, nếu không sẽ rất ngứa khó ăn.
Lúc bồng được ninh nhừ thì trút don đã phi thơm vào đun cùng. Nấu canh bồng khoai không thể thiếu đi vị nồng của mắm tôm và hương thơm của rau ngổ mọc bên góc ao nhà ngoại. Chẳng cần cơm thịt, cơm cá, chỉ cần độc món canh bồng nấu don “để vào môi trôi vào ruột” của ngoại tôi cũng có thể đánh bay cả nồi cơm, vét sạch sành sanh không còn hạt nào.
Giờ đây tôi đã lớn khôn và chuyển lên thành phố ở cùng bố mẹ. Nhưng tất cả hình ảnh, kỷ niệm với làng quê nơi đây, với tình yêu ngoại dành cho tôi cũng như bát canh thơm mát sền sệt ngoại nấu năm nào mãi mãi không thể nào quên được.
(Hoàng Anh, TTO)
nguồn phunuonline